Đăng vào Thứ tư, ngày 13/03/2019
Chương trình học tập trải nghiệm qua các miền di sản của học sinh Khối 12 (K28)
TrN_18.19

Thực hiện kế hoạch số 32/KH-THPTCh ngày 19/02/2019 v/v hoạt động trải nghiệm cho học sinh năm học 2018 – 2019, ngày 10/3/2019 (Chủ Nhật), học sinh các lớp 12 (K28) của nhà trường đã tham gia Chương trình học tập trải nghiệm qua các miền di sản ở các địa điểm Đền Kiếp Bạc, Chùa Côn Sơn, đền thờ thầy giáo Chu Văn An (tỉnh Hải Dương) và Đền Đô (tỉnh bắc Ninh)

Chương trình có sự tham gia của BGH nhà trường, các thầy cô giáo chủ nhiệm và học sinh 12 lớp khối 12, đại diện CMHS các lớp, đại diện Đoàn thanh niên nhà trường.

Điểm dừng đầu tiên của đoàn tại đền Kiếp Bạc (thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tại đây các em học sinh đã được ôn lại lịch sử vào thế kỷ 13, đây là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn lập căn cứ, tích trữ lương thực, huấn luyện quân sĩ trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Sang thế kỷ 14, đền thờ ông được xây dựng tại nơi đây và là nơi tổ chức các lễ hội hàng năm để dâng hương tưởng niệm vị anh hùng của dân tộc Việt, người có công lớn với đất nước và được dân gian tôn sùng là Đức Thánh Trần.

Tiếp theo đoàn ghé chùa Côn Sơn (hay còn gọi là Thiên Tư Phúc tự hay chùa Hun) là một ngôi chùa ở trên ngọn núi Côn Sơn ở phường Cộng Hoà, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ngay từ thời nhà Trần, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm cùng với chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh. Nơi đây đã gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Trần Nguyên ĐánHuyền Quang và người anh hùng dân tộc - danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi.

Tại khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, các em học sinh cũng đã được dâng hương tưởng niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, cùng ôn lại vụ án oan thảm khốc Lệ Chi Viên mà phải 22 năm sau, Lê Thánh Tông mới giải oan cho ông. Trong thời đại Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi đã được suy tôn là Anh hùng dân tộc. Tổ chức Văn hoá, Khoa học, Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận và tôn vinh Nguyễn Trãi là “Danh nhân văn hoá thế giới”.

Hành trình tiếp theo của các em học sinh là được đến với đền thờ Vạn thế Sư biểu Chu Văn An. Tại đây các em đã được nghe thuyết minh, giới thiệu thân thế, cuộc đời của thầy giáo Chu Văn An – người thầy của muôn đời. Chu Văn An là nhà nho sống có lý tưởng, ông hành đạo để “chính sự và giáo hóa được đổi mới”. Suốt đời ông cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đạo làm người mà ông thực hiện và giáo dục học trò là đạo làm người theo tinh thần Nho giáo. Với cốt cách thanh cao, tinh thần trong sáng, trí tuệ sâu sắc và đạo học vững vàng, ông là một nhân cách lớn, đứng đầu trong lịch sử giáo dục Nho học nước nhà. Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến Việt Nam. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Điểm cuối cùng trong hành trình qua miền di sản mà các em học sinh được tham quan, trải nghiệm là đền Đô. Đền Đô thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng thờ tám vị vua đầu tiên của nhà Lý. Năm 1991, đền Đô đã được Nhà nước Việt Nam công nhận là di tích lịch sử - văn hóa. Năm 2014, nơi đây cùng với khu lăng mộ các Vua nhà Lý đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Tại đền Đô, ngoài nghi lễ dâng hương tưởng niệm 8 vị vua đầu tiên triều Lý, các em học sinh còn được nghe Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn (một thành viên trong Đội thiếu niên du kích Đình Bảng năm xưa) giới thiệu và ôn lại lịch sử 1 thời nhà Lý hưng thịnh, chăm lo cho nhân dân no ấm, xã tắc thanh bình. Vương triều Lý là một vương triều đã có đóng góp nhiều thành tựu cho lịch sử nước nhà  ở một số lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội, kiến trúc. Những thành tự đó của vương triều Lý – những trang vàng mang dấu ấn của nhà Lý sẽ còn mãi với đất nước, với Thăng Long, Hà Nội

Kết thúc chuyến đi, mỗi học sinh đều có trong mình những cảm xúc riêng ở nơi đặt chân đến, nhưng ý nghĩa và mục đích mà kế hoạch của nhà trường đặt ra đã thực hiện được. Tăng cường phương pháp giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thực hành cho học sinh, giáo dục truyền thống và đây cũng  là một trong những hoạt động cụ thể của nhà trường trong việc thực hiện Nghị quyết số 29 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục và Đào tạo”.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH

Tập trung nghe thuyết minh, giới thiệu tại chùa Côn Sơn

Tập trung nghe thuyết minh, giới thiệu tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An

Dâng hương tưởng niệm thầy giáo Chu Văn An

Dâng hương và nghe giới thiệu tại đền Đô

Nghe giới thiệu tại đền Đô

Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn thuyết minh tại đền Đô

Lớp Nga 12 chụp ảnh kỷ niệm tại bức Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ

Lớp Pháp 12 chụp ảnh kỷ niệm tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An

Lớp Anh 12 chụp ảnh kỷ niệm tại đền thờ Chu Văn An

 

Bài và ảnh: Trần Thị Kim Liên